Nghề khách sạn xuất hiện từ khi nào? Ai đưa nghề khách sạn vào Việt Nam?

Ngày nay, dịch vụ Khách sạn – Nhà hàng đã và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người. Vậy bạn có biết ngành nghề Khách sạn xuất hiện từ khi nào và phát triển ra sao không?

Từ đầu thế kỷ 16 trước Công nguyên, con người đã bắt đầu biết đến trao đổi ngoại thương và du lịch. Các vùng du lịch bắt đầu được mở rộng, nhu cầu chỗ ở và ăn uống ngày càng cao, tuy nhiên nhà hàng khách sạn thì còn rất sơ khai, yếu kém về dịch vụ và lòng hiếu khách, chỉ được điều hành bởi những người không chuyên và chủ nhà lạc hậu.

Cho đến khi cuộc Cách mạng kỹ nghệ ở Anh năm 1790 mới có những dấu hiệu của sự tiến bộ và những ý tưởng mới về kinh doanh nhà trọ.

Một số mốc lịch sử:
  • Năm 1794, ở Mỹ khách sạn NEW YORK CITY là khách sạn đầu tiên với quy mô 73 phòng.
  • Năm 1800, nước Mỹ được xem là quốc gia dẫn đầu về sự phát triển kỹ nghệ khách sạn vì họ là người tích cực bành trướng.
  • Năm 1829, xuất hiện khách sạn TREMONT HOUSE BOSTON với 170 phòng là khách sạn có quy mô lớn nhất, có nhiều cải tiến nhất.
                                                  Tremont house boston
  • Năm 1908,  khách sạn BUFFALO STATLER được xây dựng do một gia đình có đầu óc kinh doanh khách sạn. Khách sạn này có nhiều cải tiến thêm như:

– Lắp công tắc đèn ở cửa ra vào, có gương lớn để khách soi toàn thân, có hệ thống phòng cháy…

– Ở Buffalo Statler, báo chí cũng đã được cung cấp hằng ngày cho khách. Đội ngũ phục vụ cũng đã được đào tạo tốt hơn. Khách sạn này đã được coi là một kiến trúc kiểu mẫu thời bấy giờ.

  • Năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến nghề kinh doanh khách sạn. Năm 1930, khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, phòng khách sạn vắng khách và công suất phòng luôn luôn thấp. Các khách sạn phải giảm giá phòng để hấp dẫn khách, nhưng cũng không hiệu quả. Ảnh hưởng trầm trọng đến nỗi 85% khách sạn phải cầm cố tài sản, đem bán giá rẻ để dùng vào mục đích khác.
  • Từ những năm 1950 đến 1960, khách sạn trở lại phát triển thịnh vượng với công suất phòng bình quân là 90%.
  • Từ những năm 1960 đến nay, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, giao lưu trên thế giới với phương tiện hàng không càng phát triển dẩn đến tự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và ngành khách sạn.
Vai trò của khách sạn:
  • Các khách sạn dần dần trở thành các trung tâm giao dịch cho các thương khách, ngoài chức năng là chỗ cư ngụ cho họ, còn phải có những trang bị hiện đại về thông tin liên lạc thuận tiên cho khách.
  • Ngày nay khách sạn không chỉ thuần túy phục vụ du khách như xưa kia mà còn cung cấp tất cả các tiện nghi cần thiết trong quá trình xa nhà như: hồ bơi, masage, sauna, phògn tập thể dục …

Như vậy. hình thức các nhà trọ tập thể trước đó đã được thay thế bởi 1 khách sạn thực thụ với những phòng riêng biệt, có khoá và hệ thống trang thiết bị đầy đủ phục vụ nhu cầu du khách. Có loại 1 giường, 2 giường, có những loại phòng mang nhiều tính cách khác nhau. Quan điểm phục vụ cá nhân như là những cá thể riêng biệt đã thể hiện ở cách bài trí thiết kế và tổ chức của toàn khách sạn và ở từng phòng ngủ.

Ai đưa nghề Khách sạn vào Việt Nam?

“Người Pháp đã đưa nghề kinh doanh khách sạn vào Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ 19 thông qua việc xây dựng những khách sạn đầu tiên tại Sài Gòn, sau đó là Hà Nội và Huế. Trong hành trình ngược dòng lịch sử để tìm kiếm khách sạn đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, tôi nhận ra Sài Gòn chính là nơi người Pháp đặt chân đến đầu tiên tại Việt Nam năm 1862 và nơi đây có thể cũng là nơi khách sạn đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng. Đọc tại trang 295 cuốn sách Từ điển lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Justin Corfield, tôi tìm được một dòng đáng chú ý như sau: “Có một số lượng nhất định du khách tới thăm Sài Gòn vào thời Pháp thuộc. Họ ở khách sạn Cosmopolitan, khách sạn Continental hoặc Hôtel de l’Univers.” Lần theo những cái tên khách sạn này, tôi bắt đầu tìm thấy những mảnh ghép lịch sử…

Khách sạn Cosmopolitan vốn là tòa nhà của Vương Đại (Maison Wang Tai), một đại thương gia gốc Hoa ở Sài Gòn xây dựng năm 1867. Vương Đại sử dụng tòa nhà vừa làm nơi làm việc, nơi ở của gia đình, vừa cho người Pháp thuê một phần làm nơi ở và văn phòng. Năm 1874, Vương Đại chuyển văn phòng và gia đình ra khỏi tòa nhà. Năm 1880, Vương Đại bán tòa nhà cho chính quyền với giá 254.000 quan Pháp. Tòa nhà sau đó được gắn tên khách sạn Cosmopolitan và trở thành một nơi dành cho những du khách giàu có mong muốn hưởng thụ những dịch vụ ăn nghỉ tiện nghi kiểu châu Âu.

                                     Khách sạn Cosmopolitan, năm 1880.

Theo tư liệu biên khảo của tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trong bài Sài Gòn, đường Catinat đầu thế kỷ 20, khách sạn đầu tiên tại Việt Nam được người Pháp xây dựng và quản lý mang tên Hôtel Laval (còn gọi là khách sạn Fave nằm trên đường Catinat – Đồng Khởi ngày nay). Khách sạn Laval được thiết kế bởi ông Élisée Fave và được xây bởi các ông Bazin, Cazaux và Salvaire vào khoảng năm 1870. Theo ông Arthur Delteil, nhà dược học người Pháp, ghi lại khi ông đến Sài Gòn năm 1882 thì khách sạn Fave (hay Hôtel Laval) gồm 3 tầng: tầng trệt là nhà ăn có các quạt panca trên trần nhà, hai tầng trên là các phòng, mỗi phòng đều có nước robinet và vòi sen (một tiện nghi lúc bấy giờ)… Trong cuốn Những ký ức Trung Hoa xuất bản năm 1891 của Léon Caubert có đề cập đến khách sạn Laval trong đoạn hội thoại sau: “Tối qua anh có tìm được khách sạn nào tốt để nghỉ không?” Tôi hỏi anh ta. “Có”, anh ta trả lời,” Họ khuyên tôi nên chọn “khách sạn Laval để ngủ còn khách sạn l’Univers (Olivier) để ăn”. Nhưng tôi phải chia tay anh bây giờ vì tôi phải đi và nhớ đảm bảo họ chuyển đồ của tôi cẩn thận.”

         Hình ảnh bìa cuốn sách Những ký ức Trung Hoa, Léon Caubert, năm 1891.

Cùng thời điểm ra đời của khách sạn Laval, vào khoảng năm 1872 ở Sài Gòn còn có khách sạn l’Univers (Hôtel de l’Univers) nằm trên góc hai mặt đường Vannier và đường Turc (đường Ngô Đức Kế và đường Hồ Huấn Nghiệp ngày nay), hướng ra phía cạnh quảng trường Rigault de Genouilly (công trường Mê Linh ngày nay). Khách sạn l’Univers là tòa nhà 3 tầng được quản lý bởi ông Lacaze. Năm 1886, ông Olivier vốn là bếp trưởng của Toàn quyền Đông Dương đã tiếp nhận quản lý khách sạn l’Univers. Là một bếp trưởng nên ông Olivier đã làm cho khách sạn nổi tiếng với những món ăn ngon thời bấy giờ. Điều này giải thích cho ý nghĩa của câu nói “khách sạn Laval để ngủ còn khách sạn l’Univers (Olivier) để ăn” ở trên. Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp thì khách sạn l’Univers bị phá bỏ vào tháng 12/1921.

                             Khách sạn Hôtel de l’Univers, năm 1901.

Khách sạn Continental được ông Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây cất và dụng cụ trong nhà, xây dựng năm 1878 và khánh thành vào năm 1880. Khách sạn Continental ngày nay nằm trên đường Đồng Khởi là khách sạn cổ nhất còn hoạt động kinh doanh khách sạn tại Sài Gòn.”

Nguồn: Trích chương 1, Ai đưa nghề khách sạn vào Việt Nam ? Phần I: Nghề khách sạn tại Việt Nam, cuốn sách Quản trị khách sạn, biến đam mê thành dịch vụ hoàn hảo, tác giả Bùi Xuân Phong, Alpha Books phát hành tháng 10,2015.

Mời đặt câu hỏi cho chúng tôi

Học viện sẽ trực tiếp liên hệ với bạn trong vòng 48h để giải đáp cụ thể mọi thắc mắc về vấn đề tuyển sinh và học tập của bạn!

image